Tứ Kỳ là một huyện thuộc Tỉnh Hải Dương nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ. Cũng giống như các huyện khác của tỉnh Hải Dương, Tứ Kỳ nằm hoàn toàn ở giữa vùng hạ lưu của hệ thống sông Thái Bình, đất đai của huyện được hình thành nhờ sự bồi đắp của hệ thống sông này. phía đông bắc giáp huyện Thanh Hà (ranh giới là sông Thái Bình); phía tây Bắc giáp thành phố Hải Dương; phía tây giáp huyện Gia Lộc; phía tây nam giáp huyện Ninh Giang, đều thuộc tỉnh Hải Dương. phía đông nam giáp huyện Vĩnh Bảo (ranh giới là sông Luộc); phía đông giáp huyện Tiên Lãng (ranh giới là một đoạn sông Thái Bình), đều là các huyện của thành phố Hải Phòng; Ngã ba sông Luộc đổ vào sông Thái Bình nằm trên ranh giới này. Hầu như xung quanh huyện được bao bọc bởi các con sông nhỏ của hệ thống sông Thái Bình.
Chính giữa địa bàn huyện là con sông Tứ Kỳ, con sông này chảy qua huyện Ninh Giang theo hướng từ Tây sang Đông, đổ vào huyện Tứ Kỳ ở địa phận xã Quang Nghiệp rồi chạy dọc theo chiều dài của huyện theo hướng Tây Bắc – Đông nam, men theo thị trấn Tứ Kỳ ở đoạn giữa Thị trấn, Xã Văn Tố với xã Minh Đức, đến đoạn giữa xã Phượng Kỳ và xã Hà Thanh tách làm hai, một nhánh chảy xuống phía nam đổ vào Sông Luộc nơi tiếp giáp giữa xã Tiên Động với Vĩnh Bảo ra Cầu Quý Cao sang Huyện Tiên Lãng- Hải Phòng; một nhánh qua giữa Xã Nguyên Giáp và Tiên Động chảy ra Cầu Xe trước khi đổ vào sông Thái Bình tại địa phận giữa xã An Thanh và Quang Trung, đây là ngã ba ranh giới giữa các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà và Tiên Lãng.
Vùng đất An Thanh (Tứ Kỳ) với nhiều loại thủy sản sống tự nhiên, đặc biệt là con rươi đang dần được hồi sinh, đã làm sống lại một đặc sản truyền thống nổi tiếng ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
|
|||
Theo một số cụ cao niên trong xã, trước đây vùng đất này rươi nhiều vô kể, nhưng trong những năm từ thập niên 90 của thế kỷ trước đến đầu thế kỷ 21, rươi ít dần rồi gần như biến mất. Cụ Phạm Văn Trúc, 80 tuổi, ở thôn An Lao còn nhớ lúc khoảng 13-14 tuổi, cụ theo cha đi xăm rươi. Ngày đó, chưa có đê nên thủy triều lên, cả vùng đất của thôn chìm trong nước, lúc đó rươi từ lòng đất chui ra. Khi thủy triều rút, rươi theo dòng nước chảy vào các mương, người dân cả làng lại dùng xăm chắn ở cuối các mương nước để bắt rươi. Rươi nhiều như trấu, người dân thường dùng thuyền để đựng rươi và dùng thúng để đong rươi. “Rươi chỉ hình thành và phát triển được ở vùng nước lợ, nhưng những năm trước, nước lũ luôn ở mức cao đã ngăn chặn sự xâm nhập mặn của nước biển khi thủy triều lên. Ngoài ra, kể từ khi số diện tích đất bãi ngoài đê được giao cho nông dân cấy lúa, họ đã sử dụng nhiều chế phẩm hoá học như thuốc trừ sâu, trừ cỏ và phân hoá học cho cây trồng đã làm môi trường đất, nước bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, người dân đắp bờ bao để ngăn mặn xâm nhập vào diện tích cấy lúa, làm thu hẹp vùng nước lợ cho rươi phát triển… Đây chính là nguyên nhân khiến rươi ít dần và hầu như không còn trong khoảng 10 năm từ 1990-2000”, cụ Trúc cho biết. |